Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu - Núi Thành - Quảng Nam

http://nguyenduyhieunt.edu.vn


Việt Nam tiếp tục tăng cường đầu tư cho giáo dục với sự hỗ trợ của UNESCO

Việt Nam tiếp tục tăng cường đầu tư cho giáo dục với sự hỗ trợ của UNESCO

Chiều 5/9, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Ngô Thị Minh đã tới dự lễ khai giảng năm học mới của Trường Trung học cơ sở (THCS) Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây một trong 23 trường học tham gia dự án “Giáo dục vì sự nghiệp bền vững” của mạng lưới trường học kết nối UNESCO.

 

Dịp này, Tổng Giám đốc tổ chức UNESCO Audrey Azoulay đang có chuyến thăm Việt Nam để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về Chuyển đổi Giáo dục được tổ chức vào ngày 19/9 đã tới dự lễ khai giảng của Trường THCS Ngô Sĩ Liên và chia sẻ những cam kết về đầu tư cho giáo dục với sự hỗ trợ của UNESCO.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh và Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay trong lễ khai giảng của Trường THCS Ngô Sĩ Liên

Là một trong số các trường học tham gia dự án “Giáo dục vì sự nghiệp bền vững” của mạng lưới trường học kết nối UNESCO, trong những năm qua, cùng với quá trình thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trường THCS Ngô Sỹ Liên luôn quan tâm và hướng tới mục tiêu đảm bảo một nền giáo dục hòa nhập, bình đẳng, chất lượng và cơ hội học tập suốt đời của các thế hệ học sinh.

Năm học 2022-2023, Trường THCS Ngô Sĩ Liên có 53 lớp, hơn 120 cán bộ, giáo viên và hơn 2.000 học sinh. Thầy và trò nhà trường quyết tâm trở thành một cộng đồng trách nhiệm thực sự, với mục tiêu nuôi dưỡng và giúp phát huy mọi tiềm năng ở mỗi học sinh; đạt được nhiều mục tiêu đáng tự hào hơn nữa dưới ngôi trường mang tên danh nhân văn hóa, nhà sử học Ngô Sĩ Liên với bề dày hơn 100 năm lịch sử.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã tặng hoa chúc mừng thành công của thầy và trò Trường THCS Ngô Sỹ Liên trong năm học 2021-2022. Đồng thời, mong muốn một năm học mới bắt đầu sẽ mang đến những hy vọng và mục tiêu mới, để kết quả năm học 2022-2023 sẽ cao hơn so với những năm học trước.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay chia sẻ: “Chiến lược phát triển của Việt Nam luôn chú trọng đến phân bổ ngân sách, đầu tư công cho giáo dục, bảo đảm sự gắn kết xã hội và phát triển bền vững. Lí do tôi có mặt ở đây hôm nay là để bày tỏ sự đồng  thuận đối với lời cam kết đó và tuyên bố rằng UNESCO sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và thách thức trong quãng thời gian tới”.

Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Bộ GDĐT Việt Nam trong hơn 2 năm vừa qua, bất chấp những khó khăn gây ra bởi đại dịch COVID-19, việc dạy và học không bị gián đoạn và vẫn được bảo đảm thông qua hình thức dạy và học trực tuyến.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên

Thứ trưởng Ngô Thị Minh bày tỏ vui mừng khi được đón tiếp Tổng Giám đốc UNESCO đến thăm Việt Nam đúng vào thời điểm khai giảng năm học mới. Thứ trưởng nhấn mạnh ý nghĩa của thời điểm này, khi có thể tổ chức lễ khai giảng trực tiếp năm học 2022-2023 thay vì trực tuyến như lễ khai giảng 2021-2022 Hà Nội và nhiều thành phố khác đã phải tiến hành.

“Những quyết sách đúng đắn của Chính phủ và sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục đã giúp hệ thống giáo dục Việt Nam luôn giữ được các điều kiện bảo đảm cho việc dạy và học trong thời kỳ đại dịch, biến những thách thức thành cơ hội để đổi mới và chuyển đổi nền giáo dục, trong đó đẩy mạnh sử dụng công nghệ trong dạy và học, tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục", Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ.

Việt Nam thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác và nhận được sự hỗ trợ từ phía UNESCO về Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030 và một số khía cạnh trong bản cam kết quốc gia mà Việt Nam sẽ trình bày tại Hội nghị Thượng đỉnh về Chuyển đổi Giáo dục sắp tới, bao gồm: Bảo đảm phân bổ ngân sách cho giáo dục chiếm 20% tổng chi tiêu công; Từng bước miễn giảm học phí cho giáo dục mầm non và trung học cơ sở; Đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo; Tăng cường đầu tư vào các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu và đổi mới.

Chiến lược phát triển cũng hướng tới việc việc tăng cường hệ thống quản trị của ngành Giáo dục và nâng cao hơn nữa điều kiện giảng dạy, phát triển các trường học năng động và linh hoạt đáp ứng nhu cầu của giới trẻ, đồng thời thúc đẩy công nghệ và số hóa trong giáo dục.

Bà Audrey Azoulay đánh giá: “Trước Hội nghị Thượng đỉnh về Chuyển đổi Giáo dục tại Trụ sở Liên hợp quốc, những cam kết này của Việt Nam là một bước tiến quan trọng để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững số 4 -  tiêu chuẩn về chất lượng giáo dục cho tất cả các nước vào năm 2030. Tôi kêu gọi tất cả các Quốc gia thành viên khác của UNESCO cùng nhau đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giáo dục trong dịp đặc biệt này”.

Nguồn tin: BGD:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây