Công tác khuyến học góp phần phát triển giáo dục, thúc đẩy sự học của toàn dân

Thứ sáu - 04/10/2024 09:31
Ngày 2/10, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức gặp mặt nhân ngày khuyến học Việt Nam (2/10/2008 - 2/10/2024), sơ kết 5 năm thực hiện kết luận 49-KL/TW và phát động giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2025.
Công tác khuyến học góp phần phát triển giáo dục, thúc đẩy sự học của toàn dân

Dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn; lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành trung ương và Hội Khuyến học địa phương.

Nhiều dấu ấn đậm nét trong phong trào khuyến học, khuyến tài

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: Kể từ khi có Quyết định 1271/QĐ-TTg ngày 16/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 2/10 là ngày Khuyến học Việt Nam, đến nay Hội Khuyến học Việt Nam đã thực sự trưởng thành và đang vững bước phát triển, góp phần quan trọng vào sự phát triển giáo dục nước nhà, tạo cơ hội cho người dân tham gia học tập, học tập suốt đời bằng nhiều chương trình khuyến khích, thúc đẩy sự học của toàn dân, nhất là trẻ em nghèo, cần có cơ hội được học tập, học tập suốt đời để phát triển bền vững.

GS,TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Điểm lại những kết quả nổi bật, ghi dấu ấn đậm nét trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thời gian qua, GS.TS Nguyễn Thị Doan cho biết: Tổ chức Hội đã phủ kín từ 100% xã, phường, thị trấn đến huyện, tỉnh, thành phố trong cả nước. Ở hầu hết các trường phổ thông và đại học đều có ban khuyến học. Tổ chức khuyến học đã phát triển ở các Đảng bộ khối, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và một số hội xã hội, tạo thành sức mạnh tổng hợp giúp triển khai phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng có hiệu quả.

Hội khuyến học các cấp đã triển khai thành công các quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội về xây dựng các mô hình: “Gia đình, Dòng họ, Đơn vị, Cộng đồng và Công dân học tập”. Việc thực hiện thành công các mô hình học tập nhất là mô hình công dân học tập đã góp phần quan trọng vào phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội và giữ gìn vệ sinh môi trường. Kết quả này cũng đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ trong cách mạng 4.0.

Nhiều hình thức xây dựng và phát triển quỹ khuyến học hình thành và ngày càng sáng tạo. Từ nguồn quỹ 100% xã hội hóa này, Hội khuyến học các cấp đã trao cho hàng triệu lượt học sinh và giáo viên, người lớn có thành tích học tập xuất sắc thông qua các hình thức trao học bổng hàng năm.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chúc mừng Hội Khuyến học Việt Nam

Đặc biệt, học bổng mang tên lời dạy của Bác “Học không bao giờ cùng” được các cấp hội trao vào dịp 19/5 ngày sinh nhật Bác hàng năm đã có sức lan tỏa lớn, động viên, khuyến khích tất cả mọi người hăng say học tập, nghiên cứu đạt kết quả tốt. Quỹ khuyến học của các dòng họ phát triển mang đậm bản sắc truyền thống hiếu học, uống nước nhớ nguồn, đã tôn vinh vai trò gia đình, dòng họ trong xây dựng nền tảng văn hóa Việt Nam.

Việc hình thành và phát triển thành công giải thưởng “Nhân tài Đất Việt - Tự học thành tài” là đỉnh cao của sự sáng tạo của lãnh đạo Hội từ 20 năm trước đây và đến nay vẫn được các thế hệ tiếp nối, duy trì và phát triển. Giải thưởng này đã tôn vinh nhiều nhà khoa học, nhiều nông dân tự học, tự nghiên cứu đã chế tạo ra máy móc phục vụ lĩnh vực nông nghiệp mang lại hiệu quả cao.

Hàng năm, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GDĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các trường đại học tổ chức các cuộc Hội thảo lớn theo các chủ đề phục vụ cho chuyên môn. Kết quả các cuộc hội thảo này là cơ sở để Bộ GDĐT ban hành các văn bản trong chỉ đạo thực hiện xây dựng xã hội học tập thông qua tài nguyên giáo dục mở, các tiêu chí đánh giá mô hình học tập trong cộng đồng từ xã, huyện đến tỉnh.

Các đại biểu dự buổi lễ gặp mặt

Từ những kết quả đạt được thời gian qua, Hội Khuyến học Việt Nam tiếp tục có những kế hoạch, chương trình mới phù hợp với bối cảnh đất nước. Trong đó, hưởng ứng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2023-2030” do Thủ tướng phát động ngày 10/6/2023, Hội đã phát động và triển khai phong trào thi đua “Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời để phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số” thông qua thực hiện mô hình “Công dân học tập”. Hội cũng bắt đầu nghiên cứu chiến lược “Khuyến học xanh” hướng tới lứa tuổi người lao động từ 16 đến 44 tuổi để có trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra.

"Khuyến học không khuyến thành tích, khuyến tài không thúc đẩy sự háo danh"

Thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT, ngành Giáo dục - đơn vị có nhiệm vụ quản lý nước về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi tới Hội Khuyến học Việt Nam lời chúc mừng nhân Ngày Khuyến học Việt Nam và lời cảm ơn, sự ghi nhận, thán phục về những gì Hội đã làm được trong thời gian vừa qua.

Quang cảnh buổi lễ

Theo Bộ trưởng, trong điều kiện tài chính, nhân sự vô cùng khó khăn, ban lãnh đạo đều “ở độ tuổi rất đáng kính” nhưng vẫn miệt mài với công việc, với sự nghiệp giáo dục. “Đó là điều rất cảm động. Cùng với tinh thần học đi đôi với hành, học tập suốt đời, chính Hội Khuyến học đã nêu cao một triết lý nữa, đó là hành động suốt đời”, Bộ trưởng nói, đồng thời cũng nhấn mạnh vai trò, uy tín đặc biệt quan trọng của GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

Nhắc tới nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ GDĐT về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, Bộ trưởng cũng cho rằng, sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. “Chúng ta đang dần xây dựng hệ thống giáo dục mở, giáo dục ngoài nhà trường, do đó rất cần sự hỗ trợ, đồng hành, góp sức của các hội, tổ chức, đơn vị, người dân”, chia sẻ điều này, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn tới các đoàn thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã góp sức cùng ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua.

Đề cập tới yêu cầu, nhu cầu ngày càng lớn của việc xây dựng xã hội học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời nhằm xây dựng con người đáp ứng sự phát triển của tri thức mới, Bộ trưởng đồng thời cho biết về những việc Bộ GDĐT, ngành Giáo dục đã và đang triển khai để đáp ứng được yêu cầu này. Đó là việc củng cố, hoàn thiện các quy định, trong đó dự kiến năm 2025 Bộ GDĐT sẽ bắt tay xây dựng Luật Học tập suốt đời; việc xây dựng các đơn vị, cộng đồng học tập; việc hoàn thiện phương pháp, nội dung giáo dục thường xuyên, giáo dục suốt đời…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn, sự ghi nhận, thán phục với những đóng góp, kết quả của Hội Khuyến học Việt Nam

Từ yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, cũng như yêu cầu tăng cường hơn nữa sự phối hợp hiệu quả giữa ngành Giáo dục và Hội Khuyến học, Bộ trưởng gửi gắm tới Hội Khuyến học nhiều mong mỏi cụ thể.

Trước hết, đó là mong mỏi việc khuyến học, khuyến tài sẽ hô ứng với ngành Giáo dục ở chiều sâu hơn nữa để làm sao khuyến khích học tập nhưng góp phần hạn chế bệnh thành tích. Khuyến học nhưng không khuyến thành tích, khuyến tài nhưng không thúc đẩy sự háo danh, không chuộng chạy theo cái danh; chỉ số sự phát triển cộng đồng, gia đình học tập không chỉ dừng lại ở bao nhiêu bằng cấp.

Đó là mong mỏi, Hội Khuyến học sẽ hô ứng với ngành Giáo dục trong việc kiên trì triết lý dạy kiến thức căn bản, dạy khả năng thích ứng, tự tích luỹ… cho người học, bởi trong bối cảnh giáo dục tri thức ngày càng bùng nổ, nguồn dữ liệu lớn thì bên cạnh khuyến khích học mở mang tri thức, thì cần khuyến khích khả năng tự mở rộng, tự tích luỹ, "khuyến" cách để học, phương pháp để học - đó chính là câu chuyện tương lai của việc học.

Cùng với việc đề cao tự học, trân trọng con người tự học, tự thành tài, theo Bộ trưởng, cần “khuyến” giúp nhau học, chia sẻ để không ai cô độc trên con đường học; khuyến khích tự học, nhưng gia tăng cơ hội, hỗ trợ trong cộng đồng, hình thành các cộng đồng học tập nhiều hơn nữa, tận dụng sức mạnh, cơ hội của thời đại nhiều hơn nữa.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc mừng GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

Nhấn mạnh đến việc “dạy người”, Bộ trưởng cho biết: Chúng ta vẫn nói “dạy chữ” và “dạy người”, nghe thì giản dị nhưng đang là cuộc điều chỉnh lớn. Trải nghiệm học làm người là việc từng ngày, đó là việc học không ngừng, học để chung sống, học để yêu thương, bao dung, tha thứ. Cái đó cần suốt đời, không thể một sớm, một chiều. Nên, cộng đồng học tập cùng giúp nhau cập nhật kiến thức đã là vô cùng quý; nhưng cần hơn nữa là học tập để làm người, đơn giản nhất là sống một cách lương thiện, biết chia sẻ. 

Theo Bộ trưởng, ngành Giáo dục cũng nhìn thấy trước những thách thức rất lớn đối với con người, nhất là trong bối cảnh kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo, khi đất nước ngày càng đi sâu vào kinh tế thị trường. Để thăng bằng, củng cố lại trước những thách thức lớn đối với giáo dục, vẫn phải quay về câu chuyện giản dị, tưởng như rất đơn sơ là giáo dục giá trị người. Đó là câu chuyện của cả gia đình, dòng tộc, cộng đồng, xã hội…, nhà trường không thể đơn độc làm nổi chuyện này.

Một vấn đề khác, Bộ trưởng mong muốn có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Khuyến học đó là công tác “phụ huynh vận”. Nhấn mạnh đây là việc lớn, có ý nghĩa quan trọng, Bộ trưởng bày tỏ trăn trở khi đâu đó còn có khoảng cách giữa phụ huynh và nhà trường; trong khi đó, nếu phụ huynh không thấu hiểu, đồng hành thì rất khó thực hiện đổi mới giáo dục.

Nhà trường vốn dĩ là tổ chức mang tính tập thể, phải tồn tại trong lòng của cộng đồng. Ngành Giáo dục không chấp nhận bất cứ việc làm sai trái, tiêu cực nào từ nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên; nhưng cũng mong muốn phụ huynh đồng hành, đồng lòng, bao dung và chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc mừng lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam

“Phụ huynh vận” là mong sự thấu hiểu, chia sẻ đúng cách, đúng bối cảnh, đúng hành động, đặc biệt là quan tâm đến trẻ em một cách đúng đắn. Mong Hội Khuyến học cùng đồng hành, hỗ trợ, vận động phụ huynh trong việc này. Đại sự nghiệp trồng người cần phải chăm lo cho đúng cách”, Bộ trưởng bày tỏ.

Chia sẻ với những tâm tư của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nhận định đó là phát biểu sâu sắc, “từ tâm can”, GS.TS Nguyễn Thị Doan đồng tình với những vấn đề Bộ trưởng đưa ra và cho biết Hội Khuyến học Việt Nam sẵn sàng ủng hộ, đồng hành.

Với việc chống bệnh thành tích trong giáo dục, GS.TS Nguyễn Thị Doan cho rằng, đây là vấn đề rất lớn, yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các nhà trường, đặc biệt là phụ huynh học sinh. Công tác “phụ huynh vận” là vô cùng quan trọng. Vấn đề phương pháp khuyến học, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đồng tình quan điểm khuyến khích phương pháp học, tự học thật tốt, nhưng không để người học phải đơn độc trên con đường học tập.

Nhân dịp này, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt” năm 2025 với chủ đề “Tôn vinh tài năng - Khơi nguồn sáng tạo”. 

Tác giả bài viết: Bộ GD

Nguồn tin: Bộ GD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản mới

KH-140

KẾ HOẠCH CÔNG TÁC THÁNG 12-2024

Lượt xem:15 | lượt tải:8

TKV 2

ĐỀ KTGKI NĂM HỌC (2024-2025)

Lượt xem:52 | lượt tải:24
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây